Thứ Tư, 18 tháng 10, 2017

Loại bỏ lãng phí, đột phá năng suất chất lượng, lợi nhuận


Loại bỏ những “tảng mỡ thừa”
Uyên Viễn


(TBKTSG) - Loại bỏ lãng phí trong quá trình sản xuất, kinh doanh là một trong những mục tiêu hàng đầu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc nhận diện và giải quyết triệt để các loại lãng phí thì không phải doanh nghiệp nào cũng làm được.
Những tảng mỡ thừa
Công ty cổ phần Cáp nhựa Vĩnh Khánh, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, có 17 năm sản xuất dây cáp dùng trong ngành điện lực, công nghệ thông tin, viễn thông, ống nhựa công nghiệp, vỏ ô tô, vỏ xe gắn máy… Hai năm trước, khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp Việt Nam, Vĩnh Khánh lâm vào tình cảnh kinh doanh hết sức khó khăn, hàng hóa bị ứ đọng.
Tranh thủ thời gian rảnh lúc này, ông Lâm Quy Chương, Tổng giám đốc Công ty Vĩnh Khánh, và các cộng sự đã có nhiều chuyến xuất ngoại để khảo sát nhu cầu tiêu thụ cáp mạng dùng trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin ở Nhật và các nước châu Âu.
Qua những chuyến khảo sát, doanh nghiệp nhận thấy sự phát triển của đơn vị chưa tương xứng với tiềm năng đang có, chưa đáp ứng được nhu cầu thay đổi không ngừng của thị trường, hiệu quả đầu tư chưa cao, chi phí sản xuất chưa được tối ưu, năng lực cạnh tranh chưa đủ mạnh. Đặc biệt, công tác đào tạo nhân lực chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của công ty về số lượng cũng như chất lượng.
Lãnh đạo công ty cũng đã nhận ra kẻ thù tiềm ẩn của đơn vị chính là những lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, giá thành không hợp lý, năng suất lao động thấp, chất lượng không ổn định, thời gian giao hàng dài… vốn là những lý do khiến khách hàng quay lưng.
“Chẳng hạn, sự thay đổi về cơ cấu sản phẩm và nhu cầu khách hàng. Lúc trước họ yêu cầu chúng tôi giao hàng với số lượng lớn và chủng loại sản phẩm đơn giản, không cầu kỳ”, ông Chương nhớ lại.
Đứng trước những đòi hỏi khắt khe của thị trường trong và ngoài nước, lãnh đạo Công ty Vĩnh Khánh cần lựa chọn tiếp tục đi theo con đường cũ là bám sát thị trường nội địa với các dòng sản phẩm thường thường bậc trung, hay tạo sự khác biệt bằng cách cho ra đời dòng sản phẩm cáp mạng LAN cao cấp dùng trong lĩnh vực công nghệ thông tin theo tiêu chuẩn châu Âu, Nhật Bản. “Nếu sản phẩm cáp mạng LAN chinh phục được hai thị trường này thì sẽ không còn trở ngại ở các thị trường khác”, ông Chương cho biết.
Tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thiên Hòa, quận 4, TPHCM, đơn vị có 15 năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất băng tải chuyền tự động, lãnh đạo công ty đã nhận dạng kẻ thù tiềm ẩn gồm có: quy trình sản xuất không hợp lý, chưa quản trị tốt hàng tồn kho, công nghệ sản xuất tạo ra nhiều sản phẩm hỏng, lỗi, lãng phí do chờ vật tư, chờ phương án thiết kế sản phẩm, thông tin phản hồi từ khách hàng chậm… Hệ quả là doanh nghiệp mất thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, hiệu quả sản xuất giảm, chi phí tăng cao, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm.
Theo Tiến sĩ Đặng Minh Trang, nguyên Giám đốc Nhà máy Vikyno, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Việt Nam Suzuki và cũng là chuyên gia đánh giá, đào tạo và tư vấn các hệ thống chất lượng, có bảy loại lãng phí trong quá trình sản xuất. Đó là sản xuất thừa, tồn kho quá mức, vận chuyển bất hợp lý, quá trình làm việc bất hợp lý, có hàng hỏng, sự chờ đợi giữa các bộ phận và thao tác thừa. Ông Trang cho rằng các loại lãng phí trên cũng giống như những tảng mỡ thừa trong cơ thể, sẽ gây ra sự nặng nề, chậm chạp, nguy hại lâu dài đến sức khỏe của doanh nghiệp, do đó cần phải cắt bỏ.
Với kinh nghiệm hàng chục năm làm việc tại các công ty có vốn đầu tư nước ngoài và công ty trong nước, ông Trang kể: “Công nhân làm việc ở bộ phận gò hàn tại các xưởng cơ khí, nhà máy ở Việt Nam đa phần đều ngồi chồm hổm. Kiểu ngồi như vậy nếu kéo dài sẽ dẫn đến các trường hợp bất ổn về sức khỏe, sự an toàn, chính xác trong công việc cũng bị ảnh hưởng.
Tại các nhà máy ở Nhật và một số nước tiên tiến khác, công nhân bộ phận gò hàn khi làm việc phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định ngồi trên ghế, các trang thiết bị làm việc để có nơi có chỗ, không được để đồ đạc một cách tùy tiện làm mất thời gian tìm kiếm, khiến các bộ phận khác phải chờ đợi vì thời gian làm việc bị gián đoạn, gây ra nhiều thao tác thừa”.
Để cơ thể doanh nghiệp khỏe mạnh
Theo Tiến sĩ Lê Anh Kiên, Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường, nguyên nhân gây ra những lãng phí trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp là sự không nhất quán trong công việc, sự chuyên quyền, những chuẩn mực không theo sát thực tế. Kế đến, lãng phí sẽ xảy ra khi không có sự công bằng trong việc tạo ra sản phẩm, các tiêu chuẩn, công việc thường xuyên thay đổi. Sau cùng là phương pháp thực hiện công việc không hợp lý, cung cấp nguyên vật liệu quá mức, khó xử lý nguyên vật liệu…
Ông Chương ở Công ty Vĩnh Khánh cho biết trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu, công ty nhận ra nếu tiếp tục thỏa mãn với những gì làm được thì khó có thể cạnh tranh với các đơn vị cùng ngành trong tương lai. Chính vì thế lãnh đạo công ty đã triển khai áp dụng các phương pháp và công cụ cải tiến trong sản xuất, trong đó tập trung vào LEAN 6 Sigma (*).
Chỉ sau sáu tháng áp dụng, công ty đã nhận diện được các vấn đề cần cải tiến và đang tiến hành thành lập các nhóm dự án cải tiến trong công ty. “Để làm được điều này, chúng tôi đã sử dụng các công cụ nhận diện như sơ đồ chuỗi giá trị và lưu đồ quá trình liên chức năng. Thông qua hai công cụ này, chúng tôi đã phân tích rất chi tiết hoạt động của các quá trình và đo lường được các hoạt động không mang lại giá trị gia tăng cho sản phẩm, cũng như không được khách hàng chấp nhận trả tiền. Những hoạt động này chiếm một tỷ trọng rất lớn trong toàn chuỗi của đơn vị”, ông Chương nói.
Ông Chương cho biết, trước kia để đề phòng rủi ro, dao động giá nguyên liệu đầu vào, công ty thường trữ số lượng nguyên liệu sản xuất khá lớn. Bên cạnh đó, việc tồn kho bán thành phẩm giữa các công đoạn vẫn còn vì quá trình sản xuất bị gián đoạn do máy móc, thiết bị hỏng hóc… Để cải tiến vấn đề này, lãnh đạo công ty đã thành lập nhóm dự án cải tiến vòng quay hàng tồn kho, giảm giá trị tồn kho và cải thiện tình hình công nợ thông qua việc áp dụng LEAN 6 Sigma.
“Giải pháp ưu tiên hàng đầu của Vĩnh Khánh hiện nay là chuyển đổi mô hình sản xuất. Đó là sản xuất theo đơn đặt hàng chứ không sản xuất để tồn kho như trước đây. Việc chuyển đổi mô hình sản xuất theo đơn đặt hàng giúp chúng tôi hạn chế vấn đề sản xuất thừa.
Bên cạnh đó, để đáp ứng nhanh các đơn hàng, chúng tôi phải rút ngắn thời gian từ khi nhận đơn hàng đến khi giao hàng. Trong đó, tập trung giảm thiểu thời gian chờ đợi giữa các công đoạn và tìm cách loại trừ các thao tác không cần thiết, sắp xếp ngăn nắp cả trong văn phòng và nhà xưởng. Việc bố trí mặt bằng nhà xưởng và trang thiết bị hợp lý đã giúp chúng tôi giải quyết hầu hết các lãng phí và bất hợp lý trong quá trình sản xuất, kinh doanh”, ông Chương cho biết.
Tiến sĩ Đặng Minh Trang cho rằng, một khi doanh nghiệp biết cách loại trừ bảy loại lãng phí trong quá trình sản xuất, kinh doanh thì cũng giống như cơ thể của một vận động viên không còn những tảng mỡ thừa. Khi cơ thể không còn lượng mỡ thừa sẽ rất khỏe mạnh, dẻo dai và bền bỉ.
Công ty Vĩnh Khánh đặt kế hoạch doanh thu năm 2010 khoảng 500 tỉ đồng, tăng 100 tỉ so với năm ngoái. Hiện sản phẩm cáp mạng LAN của Vĩnh Khánh đã được xuất khẩu sang châu Âu, Nhật Bản và sang năm 2011 sẽ tiếp tục chinh phục thị trường châu Mỹ.
_____________________________________________________________________________

(*) LEAN 6 Sigma là sự kết hợp có chọn lọc giữa hệ phương pháp giải quyết các vấn đề hiển thị (visible) và các vấn đề tiềm ẩn (invisible) được xem như là một xu thế mới trong việc lựa chọn các phương pháp và công cụ một cách phù hợp trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Nguồn:

http://www.thesaigontimes.vn/Home/doanhnghiep/chuyenlaman/37962/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét