Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

Các yêu cầu đối với Lãnh đạo của Hệ thống Sản xuất tinh gọn Lean (Toyota Production System)


Các yêu cầu đối với Lãnh đạo của Hệ thống Sản xuất tinh gọn Lean (Toyota Production System)

Để xây dựng Hệ thống Sản xuất tinh gọn ta không thể bỏ qua yếu tố Người Lãnh đạo. Chính những Lãnh đạo có đầy đủ năng lực và nhiệt huyết mới có thể giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển và sáng tạo cải tiến không ngừng. Hiệu quả của công tác lãnh đạo, theo Toyota được đánh giá qua 4 nội dung chủ yếu:

1.     An toàn, bao gồm khoa học về công lao động, hợp lý hóa thao tác (ergonomics), giảm thiểu sự cố và tai nạn mức độ nhẹ, cải tiến sơ đồ, bố trí mặt bằng sản xuất

2.     Chất lượng, bao gồm huấn luyện, cải tiến qui trình sản xuất và giải quyết vấn đề

3.     Năng suất, theo sát việc thỏa mãn nhu cầu khách hàng và quản lý các nguồn lực

4.     Chi phí, có nghĩa là đảm bảo ba yêu cầu trên  cùng với việc kiểm soát và giảm tổng chi phí   

Các yêu cầu đối với Lãnh đạo của Hệ thống Sản xuất tinh gọn, bao gồm từ vị trí Nhóm (tổ) trưởng, Giám sát trở lên có thể không dễ để tìm kiếm, bồi dưỡng, phát triển và bổ nhiệm, nhưng là cực kì cần thiết để giảm tổng chi phí và 7 lãng phí lớn trong sản xuất cũng như cho công tác cải tiến liên tục. Sau đây là 6 yêu cầu bắt buộc để đạt được sự huy động tổng thể nguồn lực con người trong hệ thống, phát huy cao độ tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo trong công việc.

1.     Mong muốn, Sẵn sàng và Quyết tâm Lãnh đạo Tổ chức, những nhà lãnh đạo hiện nay khác rất nhiều với những “đốc công” trong quá khứ. Có sự khác biệt rất lớn về mong muốn có  một công việc hay vị trí công tác hay thực sự hết lòng Lãnh đạo Tổ chức. Họ phải biết cách động viên và thúc đẩy mọi người đạt những thành tích vượt trội và nổi bật.

2.     Kiến thức về công việc, Lãnh đạo phải nắm vững công việc tại hiện trường, bao gồm hiểu biết sâu sắc về nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, dụng cụ và các bước tiến hành sản xuất, trình tự, yêu cầu thao tác. Thiếu sót các kiến thức này, người lãnh đạo không thể đảm bảo việc sản xuất đáp ứng chính xác theo yêu cầu tiêu chuẩn đã đặt ra. Đối với hệ thống sản xuất theo kiểu cũ thì những kiến thức này có thể dễ dàng bị bỏ qua với quan niệm sai lầm rằng có thể bù đáp bằng kỹ năng quản lý thay cho kiến thức sâu sắc về chuyên môn công việc. Tuy nhiên nếu thiếu khả năng này thì khó có thể thực hiện hay hỗ trợ việc cải tiến liên tục tại hiện trường.

3.     Hiểu biết về Trách nhiệm Công việc, đảm bảo thi hành chính sách, mục tiêu, qui trình, thủ tục, qui định an toàn và sức khỏe, quan hệ công việc và quan hệ giữa các bộ phận trong nhà máy, truyền đạt đến các cá nhân trong tổ chức.

4.     Khả năng Cải tiến liên tục, Nhà lãnh đạo phải biết phân tích công việc tại hiện trường, tìm kiếm khả năng kết hợp, bố trí lại, làm đơn giản các động tác để sử dụng tốt hơn nguyên vật liệu, máy móc thiết bị và công lao động. Nhiệm vụ chủ yếu của Lãnh đạo là suy nghĩ và hành động để thúc đẩy việc cải tiến liên tục. Điều quan trọng hơn là có nhiều cải tiến nhỏ liên tục hàng ngày hơn là có vài cải tiến lớn.

5.     Khả năng Lãnh đạo, biết cách kết hợp các thành viên trong Tổ (nhóm) để đạt mục tiêu công ty. Biết cách triển khai và hỗ trợ quá trình thực hiện của tổ chức. Việc này bao gồm khả năng lập kế hoạch, huấn luyện đội ngũ và theo dõi kết quả công việc.

6.     Khả năng huấn luyện, một trong những nhiệm vụ ưu tiên của Lãnh đạo là biết cách đào tạo và giáo dục người khác. Cho dù người Lãnh đạo có khả năng và kiến thức như thế nào chăng nữa, nếu không biết cách đào tạo thì không thể chuyển giao cho người khác. Nếu kỹ năng và kiến thức không chuyển giao cho người khác thì tổ chức không thể phát triển và trở nên giàu có, thịnh vượng. 

Với những Yêu cầu về Người Lãnh đạo và yêu cầu về Kết quả Công tác Lãnh đạo nêu trên của Hệ thống Sản xuất tinh gọn Lean Manufacturing (Toyota Production System-TPS), hy vọng các Tập đoàn, Công ty và Nhà máy ở Việt Nam hãy bắt tay ngay vào việc xây dựng đội ngũ tinh nhuệ cho chính mình trước khi quá muộn và bắt kịp với yêu cầu của thời đại.

Trao đổi thêm: Mọi phản hồi và trao đổi về nội dung nêu trên, xin liên hệ email: imq.minh@gmail.com

* Theo "The Toyota Way Field Book" của Jeffrey K. Liker và David Meier, xuất bản năm 2006       
             

   

1 nhận xét: