Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

Kiểm soát Nguồn lực Hoạt động Sản xuất như thế nào trong tình hình hiện nay?

Kiểm soát Nguồn lực Hoạt động Sản xuất Như thế nào trong Tình hình Hiện nay?  

Hiện nay việc kiểm soát hoạt động sản xuất còn sơ sài, chưa đi vào chi tiết và phân loại rõ ràng, đầy đủ để phục vụ cho việc phân tích, phòng ngừa rủi ro trong quá trình, cải tiến nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực. Cụ thể việc cấp phát vật tư chưa ghi chính xác nguồn gốc và số lượng sử dụng, trong công đoạn các bán thành phẩm tự do di chuyển, không ghi chép số liệu để phân tích từng khâu và sản phẩm lỗi phát sinh. Tuy nhiên hiện nay đòi hỏi thực tiễn phải có sự thay đổi mạnh mẽ và hành động quyết liệt để tăng cường tiết kiệm và tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực. Đây cũng là yêu cầu bắt buộc trong cạnh tranh để tồn tại trong tình hình khó khăn và nguồn vốn hạn chế hiện nay của doanh nghiệp.

Thiết lập Hệ thống kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu và theo sát từng công đoạn của lô sản phẩm.

Ngay khâu cấp vật tư cho từng công đoạn và chuyển công đoạn cần ghi chép đầy đủ rõ ràng các thông tin nhằm mục đích hỗ trợ cho hoạt động phân tích và kiểm soát sản xuất. Việc ghi chép nhằm mục đích truy tìm nguồn gốc và nguyên nhân của sự không phù hợp phát sinh, từ đó thực hiện hành động cải tiến, do đó nhất thiết phải được lưu trữ đầy đủ và xem xét định kỳ hoặc ngay lập tức khi có sự bất thường. Ví dụ ta có thể thiết kế một Phiếu Yêu cầu Sản xuất qua các công đoạn liên tục trên một mặt giấy, từ đó theo dõi được tình hình tiêu hao nguyên liệu, số lượng sản phẩm làm ra, số hàng hư, hàng lỗi phát sinh, thời gian và thiết bị sử dụng để sản xuất lô hàng.

Tư tưởng đột phá và hành động cụ thể, thiết thực để giảm chi phí

Sau khi có hệ thống thông tin dữ liệu ban đầu, lúc này rất cần hành động quyết liệt và thực tế của lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo cấp cao. Mọi hành động nửa vời, chờ đợi hay cầu may đều không có kết quả. Chẳng hạn như việc hô hào chung chung, hoặc áp đặt chỉ tiêu cho có mà không có số liệu đo đạc thực tế hay kế hoạch hành động cụ thể, phân tích nguyên nhân và biện pháp khắc phục. Để có sự thay đổi, cần có suy nghĩ và tư duy dám giải quyết vấn đề một cách tích cực và sáng tạo.

Hành động có trách nhiệm với môi trường, tích cực thực hiện việc Tái sinh; Tái sử dụng hay Tái chế

Nguyên liệu thải bỏ trong quá trình sản xuất luôn có thể tái sinh hay tận dụng cho mục đích khác, việc này cần có sự suy nghĩ, động não, ví dụ như Công ty Toyota Việt Nam đã tái sử dụng giấy nhám chà khung xe bằng cách cắt bỏ phần bị mòn và tiếp tục sử dụng phần còn lại, như vậy là ta đã tái sử dụng được một tấm giấy nhám tưởng chừng như bỏ đi một lần nữa. Hay là tìm cách tái chế lại những phế phẩm tưởng như đã phải bỏ đi hoàn toàn.  

Tóm lại việc thực hiện MFCA – Hạch toán dòng chảy nguyên vật liệu và cải tiến liên tục hoạt động sản xuất là việc trong tầm tay bằng nguồn lực sẵn có của doanh nghiệp và áp dụng Tiêu chuẩn MFCA sẽ mang lại những lợi ích thiết thực và hiệu quả lớn lao cho những doanh nghiệp mong muốn tăng khả năng cạnh tranh, tồn tại, phát triển và duy trì lợi nhuận trong bối cảnh hiện nay.   

Nguyễn Quốc Minh,
Chuyên gia Năng suất chất lượng,
Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc Tế Minh Quân

* Sau khi được đào tạo về MFCA tại Malaysia vào tháng 9/2011, tác giả đã nghiên cứu thực tiễn Việt Nam và thực hành MFCA ở một số doanh nghiệp với kết quả ban đầu. Mọi phản hồi và trao đổi về nội dung nêu trên, xin liên hệ email: ceo@imq.vn


Chương trình đào tạo thực hành MFCA tại các doanh nghiệp Việt Nam, khai giảng ngày 17/6/2013, ưu đãi giảm 5% cho đăng ký trước ngày 11/06/2013.

http://tuvanquanly.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=191:chuong-trinh-dao-tao---cat-giam-chi-phi-tong-the-voi-mfca,-phan-tich-chi-phi-theo-dong-chay-nguyen-vat-lieu&catid=104&Itemid=536


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét